Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2013

Bàn về việc tự học, tự đào tạo

Bất cứ thời nào và ở đâu, việc tự học, tự đào tạo cũng là nguyên nhân chính để hình thành nhân tài, bởi tài năng hoàn toàn không phải do bẩm sinh, mà do sự khổ công rèn luyện.

Trong quá trình đào tạo, người thầy đóng vai trò dẫn dắt cho người học về phẩm chất, nhân cách, năng khiếu, tư duy, trí tuệ. Còn bản thân người học mới có vai trò quyết định trong việc lĩnh hội kiến thức, chuyển kiến thức của giáo viên, của thế giới xung quanh và của nhân loại trở thành kiến thức của mình. Thụ động, học vẹt, dựa dẫm bên ngoài thì dù có giỏi mấy cũng chỉ tồn tại nhất thời và rất mong manh. Xưa nay, các bậc vĩ nhân đều có quá trình tự mày mò học hỏi, tự rèn luyện phấn đấu một cách kiên trì, bền bỉ. Mặc dù kiến thức học ở nhà trường là nền tảng ban đầu, nhưng chỉ có tư duy độc lập, chỉ có sự nỗ lực tự học, tự đào tạo mới có thể trở thành nhân tài.
Ở nước ta, có biết bao hiền tài, chí sĩ xuất phát từ con đường tự học, tự đào tạo. Lê Quý Đôn dù đã đỗ đầu trong các kì thi Hương, thi Hội, nhưng vẫn tiếp tục tự học, bất chấp những nhọc nhằn tất bật trong chốn quan trường. Ông kiên trì tìm tòi, nghiên cứu, thu thập số liệu, ghi chép tỉ mỉ và đọc rất nhiều sách để nắm bắt kho tàng tri thức của nhân loại. Chính vì vậy, ông đã trở thành một học giả uyên thâm, một nhà bác học đại tài ở nhiều lĩnh vực (văn học, lịch sử, địa lí, triết học, ngôn ngữ học...). Đào Duy Anh từ nhỏ đã say mê học hỏi, ham thích đọc sách, bền bỉ tìm tòi, tích lũy kiến thức từng ngày, trở thành một giáo sư đại học nổi tiếng cả trong nước và nước ngoài, có nhiều cống hiến về học thuật, lịch sử, văn học và từ điển.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về tinh thần tự học, tự đào tạo. Trên hành trình đi tìm đường cứu nước, trong những điều kiện vô cùng gian khổ, thiếu thốn, Người đã tự học và học được rất nhiều tiếng nước ngoài như Pháp, Đức, Anh, Nga, Trung Quốc, Thái Lan, Tây Ban Nha, I-ta-li-a, Tiệp Khắc... Trong đó, có những ngoại ngữ Người không chỉ nói được, nghe được, trao đổi được mà còn viết được bài đăng trên báo nước ngoài. Chính từ ý chí tự học, tự đào tạo, Người đã trở thành một vị lãnh tụ thiên tài, Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại. Nhờ tự học, kiến thức của Bác rất vững. Khi đã làm Chủ tịch nước, Bác vẫn nhiều lần nói chuyện trực tiếp với cán bộ nước ngoài, nhiều lần tự trả lời và trò chuyện với các phóng viên quốc tế. Có lần, các chuyên gia của một số nước anh em vào chúc tết Bác, mà không có phiên dịch. Thoáng thấy sự lúng túng của các chuyên gia và cán bộ giúp việc, Bác mỉm cười bảo: "Thôi được, Bác sẽ dịch cho!". Thế là, Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói đến đâu, Bác dịch đến đó bằng cả bốn thứ tiếng: Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và dịch cả lời của các chuyên gia nước ngoài thành tiếng Việt!
Ở nước ta, có một bộ phận học sinh rất giỏi, trong các kì thi học sinh giỏi quốc tế giành được nhiều giải cao, nhưng về đại trà thì đa số học sinh Việt Nam còn bất cập về kiến thức, kể cả kiến thức khoa học tự nhiên và kiến thức các môn học xã hội. Trong học tập, học sinh, sinh viên ta thiếu tư duy sáng tạo. Học sinh có thực tài và khi ra trường trở thành nhân tài còn rất ít. Mặt khác, tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan càng ảnh hưởng xấu đến việc tự học, tự đào tạo. Đua nhau dạy thêm, học thêm, học một cách nhồi nhét, thụ động, quá tải, ắt không còn sức lực, thời giờ để tự học, tự nghiên cứu và cũng chẳng thể nào hình thành khả năng tư duy độc lập, sáng tạo.
Việc học là cả một quá trình lâu dài và chỉ có tư duy tự học, tự đào tạo thì kiến thức mới hình thành vững chắc. Kiến thức không chỉ có trong sách vở, thầy, cô giáo mà có ở mọi nơi, mọi lĩnh vực. Nói tóm lại, kiến thức là vô cùng vô tận và việc tự học, tự đào tạo phải là công việc thường xuyên, liên tục và suốt đời
Thuỳ Dương-http://nguoicaotuoi.org.vn
Thêm vào giỏ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét