Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2013

NGƯỜI THẦY TỰ HỌC TỐT ĐỂ DẠY TỐT

Giáo sư Tạ Quang Bửu lúc sinh thời có lời tâm tình với đồng nghiệp và học trò: “Tự học là khởi nguồn của phong cách tự đào tạo đồng thời là cái nôi nuôi dưỡng trí sáng tạo. Ai tự học tốt ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, người đó sẽ tiến xa trong cuộc đời”. Mỗi người thày hướng dẫn cho học trò của mình tự học tốt và bản thân mình nên là một tấm gương sáng về tự học cho học trò noi theo
  1. Học nhi bất yếm – giáo nhân bất quyện.
Trong một hội nghị bàn về công tác huấn luyện tại chiến khu Việt Bắc năm 1950, Bác Hồ đã cho treo trong hội trường hai khẩu hiệu song song. Khẩu hiệu thứ nhất là lời dạy của Lê Nin: “Học – Học nữa – Học mãi”. Khẩu hiệu thứ hai là lời dạy của Khổng Tử: “Học không bao giờ biết chán - Dạy người không bao giờ biết mỏi”
Cuộc đời của Bác là một tấm gương sáng về học không bao giờ biết chán, dạy người không bao giờ biết mỏi. Người đã dịch câu của Khổng Tử: “Học nhi bất yếm - Giáo nhân bất quyện” để minh định cho khẩu hiệu thứ hai này.
2. Lấy tự học làm cốt
Trước đó, vào năm 1947, trong tác phẩm “Sửa đổi lề lối làm việc”, Hồ Chí Minh đã có lời dạy: “Lấy tự học làm cốt, có thảo luận và chỉ đạo thêm vào”. Lời dạy chỉ có 13 từ mà hàm chứa một nội dung sâu sắc về tự học và điều kiện cho tự học thành công. “Lấy tự học làm cốt” là Bác muốn khuyên mỗi người phải có động lực cho sự tiến bộ của bản thân qua tự học. “Có thảo luận” nghĩa là cùng với nội lực phải có môi trường để trao đổi. Môi trường tạo nên trạng thái “Học thày không tày học bạn”. “Chỉ đạo thêm vào” nghĩa là phải có nhân tố quản lý để gắn nội lực với ngoại lực. Nội lực tốt mà ngoại lực dở cũng ít kết quả. Tuy nhiên, ngoại lực tốt mà nội lực yếu cũng không thành công. Nhân tố quản lý thúc đẩy cho sự phát triển của nội lực và ngoại lực trong việc tự học.
  1. Biến quá trình giáo dục thành quá trình tự giáo dục
Nhà trường trong bối cảnh phát triển mới ngày nay thường có nguyên tắc đào tạo: “Biến quá trình giáo dục thành quá trình tự giáo dục. Biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo”. Để người học có thể “tự giáo dục”, “tự đào tạo”… Thì trước hết người học phải có ý chí tự học, chủ động trong học tập. Và để người học tự học tốt thì người thầy phải “tự học” để có thể dẫn dắt, chỉ đạo, cố vấn cho người học hoàn thành nhiệm vụ.
  1. Học tập với tinh thần Power
Trong bối cảnh của cuộc đua tranh đi vào nền kinh tế tri thức. Các nước thường tìm kiếm các mô hình phát triển nhà trường hiệu quả. Malaysia, một quốc gia trong khối ASEAN có tham vọng trở thành “đất nước trí tuệ” trong khu vực. Họ có dự án đồ sộ xây dựng các “Nhà trường thông tuệ” (Smart school). Học sinh trong các trường thông tuệ phải có tinh thần tự học theo phương châm: “ Tự tiếp cận vấn đề; tự định hướng vấn đề; tự xác định lộ trình để tiến bước”. Tại các nhà trường thông tuệ, người học phải có phong cách học tập “Power” (sức mạnh)
P: Planing – Tự vạch ra kế hoạch học theo vấn đề tiếp mình cận được
O: Organising – Tự tổ chức để hiện thực kế hoạch vạch ra
W: Working – Làm việc một cách hợp lý đối với kế hoạch đã có
E: Evaluating – Tự đánh giá kết quả mà bản thân mình đã đạt được
R: Recognising – Tự xây dựng nhận thức những điều mới bản thân thu lượm được.
  1. Tứ sức và sáu mọi
Ở nước ta Nhà giáo nhân dân GSVS Nguyễn Cảnh Toàn thường có lời khuyên với người thầy: Phải biết “tứ sức” và “sáu mọi”. “Tứ sức” có nghĩa là khi dạy phải biết phân hóa, căn cứ vào “sức chứa”, “sức hút”, “sức thấm”, “sức chế biến” của người học mà tìm ra phương thức dạy thích hợp.“Sáu mọi” có nghĩa là phải tích cực tự học để lãnh hội được chuyên môn nghiệp vụ ngày càng có yêu cầu cao đáp ứng sứ mệnh của người thầy trong bối cảnh mới. “Sáu mọi” bao gồm: Học mọi nơi, học mọi lúc, học mọi vấn đề, học mọi người, học bằng mọi cách, học trong mọi hoàn cảnh.
Có thể khẳng định: Nếu mỗi người thầy trong các nhà trường đều quán triệt “tứ sức”, “sáu mọi” thì chắc chắn việc đổi mới phương pháp dạy học trong các nhà trường sẽ thu được kết quả cao.
  1. Các mô hình tự học từ 2 nhân tố đến 5 nhân tố
  1. Mô hình 2 nhân tố của Khổng Tử
Đức Khổng rất thành thật nói rằng: Ông không là nhà thông thái. Ai đó hỏi ông điều gì, lúc đó óc ông trống rỗng. Tuy nhiên ông biết nắm chặt hai đầu mối của vấn đề nêu ra, vắt kiệt chúng do đó mà có hiểu biết. Điều Khổng Tử khuyên có thể hiểu: Ông đã xây dựng cho mình mô hình hai nhân tố có tính chủ đạo, tính then chốt. Bám chặt vào đó mà phân tích, cày xới lên thì ông lý giải được vấn đề và do đó đi đến nhận thức mới. Mấu chốt ở đây là tìm ra được hai nhân tố đích đáng.
  1. Mô hình 3 nhân tố từ châu Âu: “3C”
Để tạo nên các nhận thức mới, người tự học phải biết tích lũy (collecting- C1), sau đó phải biết xử lý, loại đi các thông tin không thích hợp, không cần thiết với mình (caculating- C2), cuối cùng phải biết trao đổi giao lưu (communicating- C3) để kiến tạo các nhận thức mới.
Ai đó đã đi được trên cạnh “C1C2” mà không vươn tới “C3” cũng chưa toàn vẹn. Ngược lại ai đó chỉ đi trên cạnh “C2C3” mà không định vị ở “C1” thì lấy gì mà giao lưu. Tuy vậy cũng không tốt nếu chỉ đi được trên “C1C3” mà không biết qua “C2” (xử lý) thì sự tích lũy và giao lưu không bền vững.
  1. Mô hình 4 nhân tố từ nhà tương lại học Anvin Toffler
Nhà tương lai học người Mỹ Anvin Toffler trong cuốn sách nổi tiếng “Cú sốc tương lai” (Future Shock) có lời khuyên về “tự học” trong bối cảnh xã hội hậu công nghiệp: Biết tích lũy thông tin; biết liên kết, gắn kết thông tin; biết chọn lọc thông tin (hữu ích cho hoàn cảnh của mình); biết sử dụng thông tin đã lựa chọn để bản thân thích ứng với môi trường.
  1. Mô hình 5 nhân tố của người việt diễn đạt qua 4H
Người việt chúng ta dựa vào một lời dạy của tiền nhân thường có lời khuyên theo dạng “4H”: H1: Học, H2: Hỏi, H3: Hiểu, H4: Hành. Đã “học” thì phải “hỏi” (không giấu dốt). Không hỏi lung tung, lan man mà hỏi vào chủ đề để hiểu. Muốn hiểu cặn kẽ phải suy nghĩ cho cẩn thận, phải phân biệt cho rõ ràng. Không ngộ biện, ngụy biện, quỉ biện và cuối cùng phải thực hành những điều tích lũy được. Nếu trong bước “hiểu” phân thành hai công đoạn là suy nghĩ và phân biệt thì mô hình này có dạng 5 nhân tố: Học rộng, hỏi sâu, suy nghĩ cẩn thận, phân biệt rõ ràng, làm cho hết sức.
Giáo sư Tạ Quang Bửu lúc sinh thời có lời tâm tình với đồng nghiệp và học trò: “Tự học là khởi nguồn của phong cách tự đào tạo đồng thời là cái nôi nuôi dưỡng trí sáng tạo. Ai tự học tốt ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, người đó sẽ tiến xa trong cuộc đời”. Mỗi người thày hướng dẫn cho học trò của mình tự học tốt và bản thân mình nên là một tấm gương sáng về tự học cho học trò noi theo.
Đặng Quốc Bảo
(Theo Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 18+19 - tháng 5+6/2011)
Thêm vào giỏ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét