Thứ Bảy, 7 tháng 2, 2015

Không để người dân sống trong tình trạng bất an - Mọi người hãy lên tiếng

Có lẽ chưa bao giờ người dân lại đứng trước những rủi ro và bất an như bây giờ. Mua xăng thì lo bị xăng rởm và đong thiếu, đi chợ thì lo về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đi xe máy thì lo bị bùng cháy bất cứ lúc nào! 
Cả hệ thống cơ quan công quyền và bảo vệ pháp luật có trách nhiệm bảo vệ an toàn cho người dân nhưng trên thực tế hầu như chưa làm tròn trách nhiệm đó, cho nên chưa ngăn chặn kịp thời và trừng trị đích đáng những kẻ làm ăn gian dối, phi pháp. Vẫn để lọt lưới nhiều hàng lậu, kém chất lượng  từ cáccửa khẩu biên giới chảy vào nội địa; rồi đủ các loại hàng “nội hóa” kém chất lượng do các thủ đoạn làm ăn gian trá, trục lợi mà không được quản lý và ngăn chặn kịp thời, tạo thành một nếp rất xấu trong sản xuất kinh doanh. Con đường “từ trang trại đến mâm cơm”- chữ của cựu Bộ trưởng Bộ Y tế dùng, xem ra không ít gập ghềnh mặc dù mỗi chặng được phân công cho ba Bộ quản lý giám sát. Thế nhưng, mâm cơm của người dân vẫn đang bị đe doạ bởi những người buôn bán bất chấp đạo đức kinh doanh, bởi cả những yếu kém trong việc quản lý thị trường. 

Các nhà quản lý đang kêu gọi mỗi người hãy tự biến mình thành những người tiêu dùng thông thái, biết mua gì và không nên 
 mua gì. Đó là cách tự bảo vệ mình tốt nhất nhưng sau những lời khuyên đó phảng phất một điều đáng buồn là hình như nó thể hiện sự bất lực của các nhà quản lý. Nghe hao hao giống phong trào mỗi người dân hãy trở thành “hiệp sỹ bắt cướp”. Người dân đóng thuế nuôi các cơ quan công quyền và có chức năng quản lý xã hội và bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân, nhưng khi cần đến thì lại bảo người dân phải tự biết bảo vệ. Khi xã hội phát triển, con người văn minh hơn khi biết tự giác trao quyền đại diệncho nhà nước bằng khế ước và con người sẽ lùi lại thời lại “tự quản” lạc hậu hơn nhiều  khi phải tự đi bắt cướp  vai trò quản lý trật tự xã hội của nhà nước trở nên mờ nhạt và bất lực. Người dân phải biết tự bảo vệ mình- đó là lời khuyên của bà tân Bộ trưởng Y tế  trước tình trạng dịch chân tay ming bùng phát và con số trẻ em chết tăng lên hàng ngày!
Rồi chuyện Hà Nội dựng bục giao thông phân làn tốn hàng chục tỷ đồng khiến cho người tham gia giao thông do chuyển động quán tính bị lao đầu vào  bị thương vong nhưng còn bị mắng nhiếc rằng cái bục to lù lù thế sao lại tự đâm đầu vào, nghe hao hao với câu “ngu thì chết”! Phân làn giao thông dường như ngẫu hứng và tùy tiện, lúc thì ngăn chỗ này, lúc đóng chỗ kia… không biết đâu mà lần! Thôi thì tốt nhất là người tham gia giao thông phải biết tự bảo vệ!”, tự tìm ra con đường nào “khả dĩ nhất” mà đi tới đích mình cần đến.
 
        Phiên chợ Tết ở nông thôn
    Cả xã hội chung tay giải quyết một vấn đề nào đó là điều đáng cổ vũ. Nhiều công việc có tầm quốc gia và quốc sách  cần “huy động cả hệ thống chính trị” nhưng nếu lạm dụng điều này thì quả là đáng lo, bởi rất có thể làm  mờ nhạt vai trò của các cơ quan chức năng, nhất là người đứng đầu các cơ quan đó không chịu trách nhiệm cụ thể, rõ ràng về những vấn đề gây dư luận bức xúc hiện nay như chuyện cháy xe máy, ô tô diễn ra liên tục; đường giao thông ngay trong nội đô cũng đầy những hầm hố mất an toàn; rồi các loại thực phẩm bẩn, hàng giả hàng kém chất lượng bầy bán cả trong các siêu thị, v.v.. .
       Nhiều vị quan chức không làm tròn phận sự trách nhiệm của mình, lại còn mang theo cái nếp nghĩ và làm: “tạo thuận lợi cho mình, đẩy khó khăn cho dân”. Phải chăng đấy là tư duy của không ít những “đầy tớ hiện đại”. Câu chuyện thu phí lưu thông xe máy cũng lặp lại kiểu tư duy này mà thôi. Thử hỏi vì sao cả hệ thống đường bộ không con đường nào bảo đảm chất lượng, vừa làm xong đã hư hỏng hoặc xuống cấp rất nhanh vì nguồn vốn đầu tư bị moi ruột để chia nhau. Bây giờ lại bắt nhân dân đóng thêm phí luu thông để bảo trì đường bộ. Rồi quy hoach và quản lý giao thông không ra sao gây nên ùn tắc đường lại bắt nhân dân đóng thuế tắc đường.
      Xưa nay, ngồi đó mà nghĩ ra đủ các hình thức thuế má để đánh vào dân thì chuyện đó thật dễ. Còn chuyện bức bách với người dân  như chuyện cháy xe máy, ô tô; xăng rởm; thực phẩm rởm; thuốc rởm…sao không thấy vị lãnh đạo nào xắn tay áo lo cho dân, chỉ thấy hết chủ trương này đến biện pháp khác… rốt cuộc là người dân cứ…chờ đấy và lo nơm nớp hằng ngày! 
      Ai cũng biết ngành GTVT làm ăn không ra sao để lại bao hậu họa, ấy vậy mà hôm vừa rồi nhân dịp tổng kết ngành nhiều vị chức sắc của ngày này lại được trao các loại Huân chương, kể cả Huân chương Độc lập! Cung cách quản lý như vậy sao có thể gọi là sòng phảng và minh bạch. 
     Quay lại chuyện người tiêu dùng. Ai cũng biết cần có sự khôn ngoan trong việc lựa chọn hàng hoá để bán mua, để ăn uống. Tuy nhiên, không phải ai cũng có khả năng biến mình thành nhà tiêu dùng thông thái ngay cả với những người nhiều tiền được gọi là “người tiêu dùng Việt Nam chất lượng cao”. Bởi lẽ, giữa mê hồn trận của chủng loại, mẫu mã, với mắt thường làm sao có thể phân biệt được đâu là hàng thật đâu là hàng kém chất lượng… Nhiều khi hàng giả trông lại bắt mắt và hấp dẫn hơn hàng thật rất nhiều bởi sự thật thường không biết màu mè che đậy. Ngay cả các cơ quan chuyên môn cũng rất vất vả để xét nghiệm, kiểm định bằng hệ thông máy móc tinh vi và những người có chuyên môn sâu cũng phải mất nhiều thời gian mới có thể kết luận đâu là sữa có chứa melamin. Mặt khác vài bữa lại có thông tin rau quả này nhiễm độc, sản phẩm sữa kia chứa chất gây ung thư…trong khi đó cái ăn mặc, đi lại vẫn là nhu cầu hàng ngày. 
    Túi tiền ít của người dân thường đồng hành với tâm lý ham của rẻ và ít có sự lựa chọnĐối với dân nghèo thành thị đã vậy, với dân quê càng như vậy. Cả vùng có vài cây xăng, cây nào cũng đong điêu bán thiếu hỏi lựa chọn cái gì. Để lành mạnh hoá thị trường trước hết đòi hỏi có nhà sản xuất có lương tâm và văn hóa kinh doanh; các nhà quản lý có đầy đủ ý thức trách nhiệm cùng với cơ chế quản lý nghiêm minh. Nếu còn tình trạng không kiểm soát được chất lượng hàng hoá tiêu dùng như hiện nay thìđời sống nhân dân còn lắm nỗi bất an.

                                                         TS. Đinh Thế Hưng-dantri.com.vn
Thêm vào giỏ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét